Monday, September 7, 2015

Nguồn gốc Bò Bảy Món

Nguồn gốc Bò Bảy Món
(Theo Ông Cả Cần)

Người ta thường nói: Ăn cơm tàu, ở nhà tây, lấy vợ Nhật. Nhưng vẫn còn thiếu nếu chưa thưởng-thức Bò bảy món Việt-Nam ?
Thế nào là BÒ BẢY MÓN ?
Trong khoảng thập niên 30-40, tại làng Tân-Lý-Tây, việc nuôi bò rất phát-đạt vì là nơi đồng quê rẫy bái. Khi trong làng có hội-hè đình đám hay cưới hỏi, người ta thường mổ bò để đãi khách. Những tay thợ bếp danh tiếng thường thích đặc chế những món bò khác nhau để nhậu cho đỡ ngán như bò giá tréo, bò nhúng dấm, bò cuốn lá cách, lá lốt, bò cuốn mỡ chài, bò ba trự (một miếng gan, miếng bò và miếng mỡ xâu lụi), chả đùm (bọc trong lá chuối và cột bằng dây lát), bít-tết ăn với xà-lách, cháo bò ... . Họ còn nghĩ ra thêm những món bò đặc biệt như bò bằm sả ớt xúc với bánh tráng, bò nướng lưỡi cuốc, bò nướng vỉ sắt ... .
Cũng tại xã Tân-Hiệp (tỉnh Mỹ-Tho), một thợ bếp có tay nghề cao đã mở một quán ăn đầu tiên đặc biệt về bò với bảy món: nhúng dấm, bò cuốn mỡ chài, bò cuốn lá lốt, bò cuốn lá cách, chả đùm, bít-tết và cháo bò. Tất cả được dùng với rau sống, xà-lách và mắm nêm pha chế đặc biệt. Tiệm này nằm trước ngôi chùa Bà Thiên-Hậu, xung quanh có hồ sen thơm bát ngát. Do đó chủ tiệm đã đặt tên quán là AU PAGOLAC  (Pagode là chùa và Lac là hồ). Tiệm rất nổi tiếng và thực khách ra vào tấp-nập. Khách từ xa đến thường đi bằng xe đạp, xe thổ-mộ, xe song mã,  thỉnh thoảng có khách sang trọng đi bằng xe li-mu-din (Limousine). Khách vừa thưởng thức bảy món bò tuyệt vời, vừa ngắm hồ sen trong những chiều hè mát rượi hay những đêm trăng dưới ánh đèn măng-sông thơ mộng. Cảnh trai thanh gái lịch, gia-đình họp mặt ăn uống thật là thi-vị và thanh bình mà nay đã trở thành những hình ảnh cũ khó mà thấy lại ... .
Dần dà, các tiệm bò bảy món khác được được mở ra tại nhiều nơi như Hóc-Môn, Bà-Điểm rồi lan đến tận Sàigòn hoa-lệ với các quán nổi tiếng như Pagolac, Ánh-Hồng, Duyên-Mai, Huê-Viên-Tửu (chợ An-Đông) ... và nay thì khắp miền Nam, tỉnh nào cũng có ít nhất một nhà hàng chuyên về bò bảy món.
Riêng quán Ông Cả Cần (tại Sàigòn, Việt-nam), vào thập niên 60, đã sáng chế thức ăn “CHÍN MÓN NAI VÀNG TƯƠI MÁT” vì lý do nhiều người ngại ăn thịt bò bị phong ngứa và hơn nữa, thịt nai rất hiền, bổ và mát. Hồi đó, tại quán Ông Cả Cần có quảng cáo về “9 món nai vàng” rất đặc biệt:
NAI THẦN HAY NAI CỦA MÙA THU
Thời Phong-thần và Xuân-thu chiến quốc, các bậc chưởng giáo, đạo-sĩ và tiên ông thường hay cưỡi nai lược trận, người ta gọi là nai thần.
Dưới ánh trăng bàng bạc, bên bờ suối cuối lưng đèo, đôi nai vàng ngơ ngác giữa rừng khuya, người ta gọi là nai của mùa thu.
Thực vậy, không phải nai chỉ có dáng điệu tiên-phong đạo-cốt mà còn là đề tài muôn đời bất diệt của văn-nghệ sĩ nữa.
Tại quán Ông Cả Cần, dưới sự đạo-diễn gia-truyền, chắc chắn quý vị sẽ hài lòng khi thưởng-thức 9 món nai vàng tươi mát, vừa ngon, vừa bổ như tiên-tửu và êm đềm như trăng thu vậy.

Hiện nay, tại xứ Cà-nà-đá (Canada) đất lạnh tình nồng, sau khi nghiên-cứu lại rờ-xét (recette), cách ăn uống phù-hợp với phong-thổ của vùng trời Bắc-Mỹ, quán Ông Cả Cần đã phục hồi BẢY MÓN BÒ tươi mát và đầy bổ dưỡng. Mọi người, nam phụ lão ấu, đều có thể dùng được bò bảy món để bồi-dưỡng sức khỏe.
Muốn thưởng-thức bò bảy món thuần-túy và đúng hương vị (chánh gốc bò vàng thứ thiệt), xin mời đến quán Ông Cả Cần.

Người viết,
LIỄU SƯƠNG MAI

(Trích từ hồi ký Ông Trần Phấn Thắng, bút hiệu Liễu Sương Mai, chủ nhân quán Ông Cả Cần)

Chú thích của Mỹ Tiên, con gái Ông Bà Cả Cần:

- Lịch sử Bò 7 món: Chủ quán Pagolac không phải là người gốc Việt (nên mới có tên quán Pagolac từ tiếng Pháp mà ra: Pagode et Lac - Gốc Ấn gọi Ông Hai Bi, vợ Việt). Lúc đầu quán chỉ bán mỗi ngày 1 món bò, 7 ngày một tuần thì 7 món bò khác nhau, về sau này gộp lại thì thành bò 7 món. Đó là lý do 7 món mà không là 5, 6 hay 8, 9 món. Quán Pagolac thứ 2 trong Chợ Lớn gần Phú Lâm cũng của gia-đình ông Hai Bi.


Câu chuyện của bảy món bò bắt đầu từ những năm 30 thế kỷ trước. Khi đó ông Adams Henri, một Pháp Kiều gốc Ấn có tên Việt là Nguyễn Thành Đam cùng vợ là bà Huỳnh Thị Quế đã cho khai trương tại chợ Tân Hiệp (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ngày nay) một quán ăn nhỏ với các món ăn được chế biến từ thịt bò.
Tất cả bảy món ăn đều do chính ông và vợ mày mò chế tác. Bà Quế, một nông dân Nam bộ, đã chế biến các món bò theo kiểu dân dã thời khẩn hoang như bò cuốn lá lốt, mỡ chài... ăn cùng với rau sống, bánh tráng và mắm nêm. Còn ông Henri thì có một bí quyết mang theo từ quê nhà, là chế biến món thịt bằm đùm trong lá rồi hấp chín - thành món "chả đùm" là món thứ 5 trong 7 món.
Nhưng tại sao không phải 6 hay 8 mà nhất định phải là 7 món? Vì ban đầu ông Henri có ý định cho quán mình mỗi ngày bán một món khác nhau nhằm thay đổi khẩu vị cho hấp dẫn, hết một tuần cộng lại là 7 món. Nhưng về sau thực khách bị hấp dẫn, không chờ được chu kỳ một tuần lễ kia nên chủ nhân buộc lòng phải bán cùng lúc cả 7 món.
Cũng có giai thoại ghi lại rằng, vào năm 1930, gánh cải lương của Năm Châu - Phùng Há về Tân Hiệp hát đình. Những đêm vãn hát, không có gì ăn khuya, nghệ sĩ Phùng Há gợi ý cho đôi vợ chồng Ấn - Việt nấu cháo thịt bò bán để anh chị em nghệ sĩ trong đoàn có món bồi bổ. Từ gợi ý đó, ông Henri sáng chế ra "bò 7 món" dựa theo tuần lao động 7 ngày.
Quán chính thức khai trương vào ngày 20/04/1930 với tên gọi rất Tây là "Au Pagolac". Nguồn gốc cũng thật đơn giản: "Pagoda" trong tiếng Pháp có một nghĩa là ngôi chùa, còn "Lac" có nghĩa là hồ nước. Quán bò 7 món đầu tiên ở Tân Hiệp nằm cạnh một ngôi chùa và một cái hồ nên mang tên này.
Rồi họ rời Tân Hiệp lên Sài Gòn lập nghiệp. Khởi đầu là ở xóm Thơm Gò Vấp vào năm 1949, rồi dời lên đường Nguyễn Trãi trong Chợ Lớn (quận 05) vào năm 1952. Quyết định chọn Chợ Lớn chứ không phải quận 01, quận 05 thời thượng là do quan niệm kinh doanh của ông Henri thời đó: "Công tư chức và công nhân lương ba cọc ba đồng, có biến cố gì là không lương. Còn Chợ Lớn nhiều giới thương buôn, lúc nào họ cũng có tiền để ăn bò".
Thương hiệu Bò 7 món Au Pagolac đã theo chân người xa xứ sang tận Quận 4 – Paris, rồi mở qua tới Westmingter - Hoa Kỳ, được quản lý bởi ông Francois Adams, con trai út và cũng là người thừa kế thương hiệu này. Rồi năm 1990, những món ngon một thời này đã chính thức quay lại Sài Gòn. Chi nhánh chính hiện nay nằm trên đường  978 Trần Hưng Đạo, khúc gần với khách sạn Đồng Khánh như sau:
- Theo giới thiệu của quán “AU PAGOLAC 1930”, 978 Trần Hưng Đạo  Saigon, http://aupagolac.com/gioi-thieu/ thì:

Quán bò 7 món xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1930 tại sài gòn, nằm gần 1 cái chùa (tiếng pháp Pagode) và 1 cái hồ (Lac), từ đó có tên là Pagolac. Aupagolac được khai sinh bên đình Tân Hiệp-Mỹ Tho, nay là Tiền Giang từ năm 1930 do đôi vợ chồng Ấn-Việt Ông Henri Adams quốc tịch Pháp và bà Huỳnh Thị Quế thôn nữ miền Tây, đã phối hợp chế ra 7 món bò ăn với rau sống mắm nêm của thời khẩn hoang đồng bằng châu thổ sông Cửu Long rất hấp dẫn. Từ nơi mái tranh tổ đình sáng lập. Thương hiệu xuyên thế kỷ bò 7 món Aupagolac đã có 7 nhịp bước thành công ngoạn mục.


Hiện nay, ở Bắc Mỹ có bán mắm nêm pha sẵn hiệu Pagolac để ăn với bò 7 món (www.pagolacsauce.com) sản xuất tại Mỹ. Không biết hãng Pagolac này có phải là của gia-đình Pagolac ở Tân Hiệp khi xưa không ?
- Chùa Bà Thiên-Hậu: Mọi người vẫn gọi là chùa Bà. Cái hồ cạnh chùa bây giờ đã bị cạn dần và bị san lấp gần hết.

- Bò 7 món Ông Cả Cần vẫn luôn được bán tại 2 quán của gia-đình: Quán Ông Cả Cần và quán Mỹ Tiên tại Montréal Canada với Mắm nêm luôn là công thức đặc chế của bà Cả Cần được tín nhiệm, ưa chuộng và ngon nhất thành phố.

- Bò 7 món Ông Cả Cần gồm:

1-      Bò nhúng dấm
2-      Bò lá lốt
3-      Bò mỡ chài
4-      Bifteck  (Steak)
5-      Bò sa-tế
6-      Chả đùm
                        7-      Cháo bò


- Xin đọc các bài khác cũng tại blog này: http://mytienrestaurant.blogspot.ca/


- Bò lá lốt

- Bò mỡ chài




4 comments:

  1. Chi tiết chùa Thiên Hậu hơi lạ, phải chăng là Thất Thánh Cổ Miếu nằm ngay đường cái quan ở thị trần Tân Hiệp? Chị Tiên có biết không ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh Huy,
      Các chi tiết trong bài là trích trong hồi ký của Ba tôi nên tôi cũng không biết gì hơn.

      Delete
    2. Anh Huy,
      Tôi hỏi thăm thêm ông chú của tôi thì được biết thêm vài chi tiết như sau:
      - Chùa Bà gần quán Pagolac kg phải là thất thánh Cổ miếu
      - Hồ gần chùa bây giờ đã bị gần như san bằng
      - Đã tìm ra được nguồn gốc tên Ông Cả Cần - ghi trong bài "vài dòng lịch sử"
      - Thêm vài chi tiết về nguồn gốc "bò 7 món"

      Anh đọc lại các bài viết sẽ rõ.

      Delete
  2. Chi tiết chùa Thiên Hậu hơi lạ, phải chăng là Thất Thánh Cổ Miếu nằm ngay đường cái quan ở thị trần Tân Hiệp? Chị Tiên có biết không ạ?

    ReplyDelete